Bạn muốn nâng cao năng lực lãnh đạo và trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn? Bất cứ sự thay đổi nào cũng cần có thời gian, nhưng muốn biết bắt đầu hành trình từ đâu thì trước tiên hãy nhìn lại từ nội tâm. Hãy sống thật với chính mình.
Nếu bạn không thể tự suy xét bản thân một cách bao quát, hãy hỏi những đồng nghiệp đáng tin cậy để họ đánh giá về phong cách lãnh đạo của bạn. Tốt hơn nữa là hỏi nhân viên của bạn! Kết quả sẽ khiến bạn phải khiêm tốn, bất kể bạn đã nắm giữ vai trò này bao lâu đi chăng nữa. Và dưới đây là 9 cách giúp bạn nâng cao năng lực lãnh đạo:
Nội dung bài viết
1. HÌNH THÀNH SỰ ĐỒNG CẢM VÀ THA THỨ
Những năm qua đã dạy chúng ta biết rằng cuộc sống có thể trở nên nhạy cảm như thế nào. Nghiên cứu cho thấy ngày càng có nhiều người chủ động từ chức vì văn hóa nơi làm việc độc hại hoặc đã vắt kiệt sức lực của họ. Hãy giúp đỡ nhân viên của bạn vượt qua cả thời điểm tốt và không tốt bằng cách thực hành sự đồng cảm và sự tha thứ. Hai thứ này nghe thì tưởng là một nhưng chúng khác nhau đấy.
Sự đồng cảm là khi ta đặt mình vào vị trí của người khác và cảm thương cho hoàn cảnh của họ. Cùng lắm bạn hiểu hoàn cảnh và cảm giác của họ. Nhưng bạn làm sao thấu hiểu cảm xúc của họ và đôi khi thậm chí, bạn còn chẳng thể thực sự đồng cảm vì bạn đâu có trải nghiệm giống họ. Thay vì cảm thấy tội nghiệp, hãy cân nhắc cung cấp cho họ một chút sự tha thứ.
Tha thứ một cách lịch sự và cho họ chút không gian riêng tư. Những nhà lãnh đạo đồng cảm với trải nghiệm của nhân viên sẽ xây dựng được lòng tin – ngay cả khi họ không thật sự hiểu về trải nghiệm đó.
Niềm tin được xây dựng bằng sự đồng cảm và sự tha thứ, có thể làm giảm căng thẳng của nhân viên và thúc đẩy một môi trường làm việc tích cực cho mọi người.
2. CẢI THIỆN KỸ NĂNG NGHE
Trong doanh nghiệp và trong các tương tác thường ngày, ta gặp rất nhiều người, nhưng không mấy ai thực sự lắng nghe. Họ chỉ sốt ruột chờ đến lượt mình nói. Nếu không được lắng nghe khi phát biểu, nhân viên sẽ có cảm giác mình không tồn tại trong tổ chức này. Các nhà lãnh đạo vĩ đại luôn nỗ lực tận tâm để trở thành người lắng nghe tốt hơn. Đôi khi bạn phải hiểu nhân viên của bạn thực sự đang muốn nói gì?
Để làm được điều đó, bạn phải thực hành các quy tắc xã giao cơ bản mà thời nay dường như đang suy yếu dần. Đó là đừng ngắt lời người kia hoặc giành nói cả câu của họ. Nếu gặp trực tiếp hoặc gọi video, hãy nhìn mặt nhau và bỏ qua những thứ gây xao nhãng như điện thoại hoặc những người xung quanh. Hãy đặt thêm câu hỏi để hiểu đầy đủ hoặc lặp lại những gì bạn đã nghe.
Nếu bạn thực sự không thể dành thời gian cho nhân viên với lý do chính đáng, hãy sắp xếp thời gian để gặp họ sau đó.
3. TRAO ĐỔI VỀ NHỮNG KỲ VỌNG VỚI HỌ THẬT RÕ RÀNG
Bạn đã bao giờ rời khỏi cuộc họp mà không biết người khác mong đợi bạn phải làm gì chưa? Chắc hẳn điều này làm cho bạn cảm thấy khá bối rối? Thế thì đừng để nhóm của bạn phải chịu sự mơ hồ tương tự.
Cuối cuộc thảo luận với nhóm, hãy để mọi người rời đi với những kỳ vọng rõ ràng, bao gồm cả bản thân bạn. Các kỳ vọng rõ ràng cho các hạng mục hành động nên tuân theo tiêu chí SMART:
- Specific – Cụ thể (Những điều cần làm?)
- Measurable – Có thể đo lường (Làm thế nào để nhóm biết rằng họ đã hoàn thành?)
- Achievable – Có thể đạt được (Điều bạn đòi hỏi có khả thi không?)
- Relevant – Có liên quan (Hoạt động này nâng cao mục tiêu của nhóm như thế nào?)
- Time-bound – Có giới hạn thời gian (Khi nào nên thực hiện?)
Nếu mục tiêu của bạn là đưa ra các kỳ vọng về phong cách làm việc cho đội nhóm của mình, hãy trao đổi thật ngắn gọn và đi vào trọng tâm. Ví dụ: nói rõ các giá trị cốt lõi của công ty và hành động cụ thể để thể hiện giá trị cốt lõi đó, thay vì chỉ nói lý thuyết suông.
Hãy diễn đạt rõ ràng các hành động hoặc hành vi cụ thể với nhóm của bạn và yêu cầu họ thực hiện chúng trong vai trò của mình.
4. HỌC HỎI TỪ THẤT BẠI
Albert Einstein từng nói: “Nguồn kiến thức duy nhất chính là kinh nghiệm”. Ngay cả người đàn ông được mệnh danh là thiên tài này cũng đã chia sẻ thật lòng về những sai lầm của mình. Các nhà lãnh đạo vĩ đại cần học tập Einstein thừa nhận khi bản thân mắc phải sai lầm. Và quan trọng hơn hết đó là học hỏi và sửa chữa những sai lầm của mình.
Bất cứ ai cũng bắt đầu từ con số 0 trước khi tiến đến sự hoàn hảo. Sự thay đổi tốt nhất xảy ra là khi các nhà lãnh đạo học hỏi từ những thất bại nhanh chóng và tiến về phía trước. Sau cùng, các nhà lãnh đạo vĩ đại xem trọng việc học hỏi được gì qua những sai lầm. Khi bạn thể hiện cách bạn xử lý thất bại một cách duyên dáng và khiêm tốn, bạn sẽ cho phép nhóm của mình làm điều tương tự.
Hãy tôn vinh những thất bại như những bài học kinh nghiệm và trân trọng kinh nghiệm mà nhóm của bạn đã thu được.
5. KHÔNG BAO GIỜ NGỪNG HỌC
Bối cảnh bất ổn của thế giới hiện nay đòi hỏi chúng ta phải có sự nhanh nhạy và một tư duy phát triển. Các nhà lãnh đạo áp dụng tư duy phát triển xác định các cơ hội để nhóm của họ làm việc tốt hơn và nuôi dưỡng niềm yêu thích học hỏi. Họ tin rằng với sự cống hiến và làm việc chăm chỉ, mọi người có thể tiếp tục thích nghi với những tình huống luôn thay đổi.
Cho dù bạn đã là một nhà lãnh đạo trong nhiều thập kỷ hay chỉ mới bắt đầu, vẫn còn nhiều điều mới mở để cho bạn học tập. Bạn không bao giờ là quá già hoặc quá giỏi để tiếp thu các kỹ năng mới. Khi bạn thể hiện sự hào hứng với một kiến thức mới, bạn sẽ truyền động lực cho nhóm của mình làm điều tương tự. Nền văn hóa khuyến khích học tập lâu dài khiến các đội nhóm trở nên mạnh hơn và cho phép các cá nhân phát triển sự nghiệp của họ.
Các nhà lãnh đạo vĩ đại và nhóm của họ không bao giờ ngừng học hỏi.
6. KHEN NGỢI CÔNG KHAI, PHÊ BÌNH RIÊNG TƯ
Các nhà lãnh đạo rất vui khi khoe với người khác về nhân viên của họ. Việc khen ngợi không chỉ cho thấy rằng bạn tin tưởng nhóm của mình mà còn cho thấy bạn đánh giá cao họ và công việc của họ.
Hãy để ý động thái của họ khi nhận được lời khen trước đám đông, họ có muốn nhận sự chú ý hay không? Nếu không, hãy tìm những cách khác tinh tế hơn để đảm bảo người khác cũng biết về thành tích của họ.
Tuy nhiên, ĐỪNG BAO GIỜ công khai chỉ trích ai đó, ngay cả với những sai lầm nghiêm trọng. Không ai thích bị sỉ nhục trước mặt người khác. Việc đó sẽ mang đến cảm xúc tồi tệ cho nhân viên của mình. Nếu bạn là người hành động theo cảm xúc, hãy đợi cho đến khi bạn bình tĩnh lại và yêu cầu một cuộc trò chuyện riêng tư. Chỉ khi ở đó bạn mới nên đưa ra phản hồi mang tính xây dựng với các ví dụ cụ thể để cải thiện.
Chia sẻ những điều tốt đẹp mà mọi thành viên trong nhóm của bạn đã đạt được, cho dù việc đó không dễ dàng ngay từ đầu.
7. TIN TƯỞNG CÁC CHUYÊN GIA
Không ai có thể biết tường tận về mọi thứ. Nhiều nhà quản lý được thăng chức vì kiến thức chuyên ngành của họ, nhưng không có nghĩa là họ biết hết mọi thứ về ngành nghề của mình.
Các nhà quản lý cho rằng nếu còn chưa nắm được mọi thứ cần biết về ngành của họ thì đó là một dấu hiệu của sự yếu kém. Để xoa dịu sự bất an đó, họ bịa ra sự thật hoặc tự cho rằng đó là kiến thức của một chuyên gia thật sự.
Tuy nhiên, hãy cởi mở thừa nhận khi bạn không biết điều gì đó và dựa vào các chuyên gia mới là một dấu hiệu của sức mạnh. Nếu bạn xác định đúng thông tin cho chuyên gia, bạn sẽ cho người ta thấy mình là nhà lãnh đạo tuyệt vời. Ngoài ra, khi bạn tin tưởng lời khuyên của những người hiểu biết hơn, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian quý báu dùng để tìm kiếm thông tin hoặc sửa lỗi.
Các nhà lãnh đạo tốt học cách tin cậy vào chuyên gia.
8. TỰ TIN ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH
Không có gì khó chịu hơn việc bị đình trệ trong quá trình ra quyết định. Có thể bạn đã nhiều lần trải qua sự thất vọng với sự quản lý thường xuyên thiếu quyết đoán. Thuộc tính này cũng đi đôi với việc giao tiếp không rõ ràng.
Các cấp trên thiếu quyết đoán không chỉ làm chậm tiến độ của nhóm trong các dự án mà cả nhân viên cũng bắt đầu lo lắng về danh tiếng của chính họ. Họ có thể lo lắng rằng các đồng nghiệp sẽ cho rằng họ không thể hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả. Nó cũng có thể khiến nhóm của bạn hình thành văn hóa đổ lỗi hoặc khiến bạn không còn tin tưởng vào kiến thức của bản thân. Và tồi tệ nhất là: khi không đưa ra quyết định, người khác sẽ ra quyết định thay bạn do hoàn cảnh thay đổi.
Học cách tin tưởng vào tâm huyết của bạn và ý kiến đóng góp của nhóm để đưa ra quyết định kịp thời.
9. HẾT MÌNH VÌ ĐỘI NGŨ
Ngay cả khi muốn nghỉ việc, các nhà lãnh đạo tốt vẫn ủng hộ nhân viên của họ. Công việc lãnh đạo là phá vỡ lối mòn và ngăn chặn những trở ngại cho nhóm. Nghĩa là bạn tạo điều kiện cho họ hoàn thành công việc của mình tốt hơn, ngay cả khi họ sẽ không bao giờ nhìn thấy nỗ lực của bạn.
Cuốn sách “Lãnh đạo ăn sau cùng” của Simon Sinek đưa ra các lý do tại sao các nhà lãnh đạo phải dẫn dắt mọi người. Hay bài diễn văn nhậm chức của John F. Kennedy đã khuyên rằng, “Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc”. Bạn có thể làm gì cho nhân viên của mình để công việc và cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn?
Các nhà lãnh đạo hãy đặt nhu cầu của nhóm lên hàng đầu để xây dựng tổ chức tốt hơn và mang đến cuộc sống tốt hơn cho nhân viên của mình.
Theo EOS Worldwide.
Cố gắng thực hành các bước trên từng chút một với đội nhóm của mình cho đến khi thành thục, năng lực lãnh đạo của bạn sẽ ngày một nâng cao và hơn thế nữa, đội nhóm của bạn và bạn sẽ hạnh phúc hơn trong công việc.
Tải công cụ EOS Toolbox – Nâng tầm lãnh đạo bằng cách vận hành doanh nghiệp một cách bài bản, cởi mở và đặt mục tiêu rõ ràng cho đội ngũ.
Theo BSS Việt Nam