Bạn đã xây dựng tầm nhìn và chiến lược kinh doanh rõ ràng, bây giờ là giai đoạn bắt tay vào thực hiện để hoàn thành các kế hoạch lớn mà mình và đội ngũ lãnh đạo đã đề ra trước đó.
Nhưng khi bắt tay vào, bạn dần cảm thấy bị rối, vì mình xây dựng mục tiêu quá nhiều, và khi nhìn vào kết quả mong muốn, bạn cảm thấy đây là con đường khá dài và gian nan, không biết khi nào mới có thể thực hiện được. Cả đội ngũ lãnh đạo cùng nhân viên đều cảm thấy rối bời, có quá nhiều mục tiêu và mục tiêu nào cũng khó thực hiện.
Quả thật nếu bạn đang đi trên một con đường dài, với đích đến là cuối con đường xa xăm, bạn sẽ cảm thấy bối rối với hàng loạt câu hỏi trong đầu, rằng sẽ bắt đầu như thế nào, đi bao lâu mới đến đích và liệu mình có hoàn thành nổi con đường đã chọn lựa ấy hay không?
Bạn đã từng rơi vào hoàn cảnh như vậy chưa, và đâu là cách để vượt qua nó. Tham khảo hướng dẫn sau đây để giúp bạn giải bài toán khó trên:
1. Phân chia các mục tiêu dài hạn thành ngắn hạn:
Đối với tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của tổ chức, bạn cần phải thiết lập nó bằng những con số rõ ràng, có thể thực hiện được với nguồn lực bạn hiện có nhưng vẫn phải có sự thách thức để kích thích sự phấn đấu. Kế đó, chia nhỏ tầm nhìn này thành các mục tiêu ngắn hạn: 5 năm, 3 năm và 1 năm.
Tuy nhiên, mặc dù đã chia nhỏ xuống còn 1 năm, và thậm chí là 6 tháng thì kết quả vẫn không đạt như bạn mong muốn và dường như nhân viên của bạn khá lơ là đối với các mục tiêu này.
Trên thực tế, dù bạn và đội ngũ nhân sự của mình đã cam kết với các mục tiêu rõ ràng và hừng hực chiến đấu thì sau mỗi 90 ngày, đội ngũ của bạn bắt đầu đi chệch hướng, mọi thứ bắt đầu hỗn loạn và mọi người không biết phải làm gì. Đây là tình trạng rất phổ biến, vì mọi người chỉ giữ được sự tập trung trong tối đa 90 ngày. Như vậy, để có thể duy trì nhịp độ công việc như mong muốn, thay vì tạo các mục tiêu quá dài hạn, bạn chia nhỏ nó ra cho mỗi quý, tức là mỗi 90 ngày.
2. Xây dựng các công việc ưu tiên hàng quý (Rocks):
Rocks là từ mà Gino Wickman – người sáng lập ra Mô hình EOS, dùng để diễn tả cho các các công việc ưu tiên hàng quý.
Dựa trên câu chuyện về cái lọ thủy tinh cùng với đá, sỏi, cát và nước mà chắc hẳn bạn đã nhiều lần nghe qua trước đây. Hãy hình dung cái lọ là toàn bộ thời gian bạn có trong ngày, đá đại diện cho các công việc ưu tiên của bạn, sỏi đại diện cho các trách nhiệm hằng ngày, cát đại diện cho sự gián đoạn và nước là tất cả những thứ bạn gặp phải trong một ngày làm việc. Nếu chúng ta cũng giống như tất cả mọi người, cho nước vào trước, tiếp theo là cát và sỏi, thì những hòn đã sẽ không thể nào chui vào lọ được. Nhưng nếu làm ngược lại, chúng ta cho những hòn đá (Rocks) vào lọ đầu tiên, rồi đến sỏi, cát và nước. Như vậy mọi thứ đều có thể nằm hết ở trong lọ.
Trên thực tế cũng vậy, nếu như việc gì chúng ta cũng muốn làm, điều gì chúng ta cũng muốn đạt được mà không có sự ưu tiên, thì cuối cùng sẽ chẳng có việc gì được hoàn thành tới nơi tới chốn. Hãy ghi nhớ một câu nói cũ: “ Khi mọi thứ đều quan trọng, thì chẳng có điều gì thực sự quan trọng”.
Như vậy, việc đầu tiên của mỗi quý, là đội ngũ lãnh đạo cùng ngồi lại với nhau, xác định các công việc mà chúng ta cần thực hiện trong quý này để đạt được mục tiêu năm đã đề ra. Sau đó, chọn ra từ 3-7 công việc ưu tiên nhất để thực hiện. Nên nhớ là chỉ từ 3-7 công việc ưu tiên, nhiều hơn con số này, thì sẽ không còn việc gì là ưu tiên cả, khi đó mọi người sẽ không tập trung hết nguồn lực để hoàn thành các công việc ưu tiên nhất mà bạn mong muốn.
Với việc xây dựng mục tiêu ngắn hạn trong tổ chức, cụ thể là công việc ưu tiên trong 90 ngày, tổ chức của bạn dần đi vào quỹ đạo, con đường phía trước bạn sẽ không còn xa xăm nữa, mà thay vào đó, nó đã có những cột mốc rõ ràng nhất mà cả tổ chức cùng phấn đấu để vượt qua.
Tìm hiểu các xác định Rocks cho tổ chức tại đây
Đọc thêm bài viết 5 yếu tố giúp nhân viên hoàn thành mục tiêu
BƯỚC TIẾP THEO
Đọc sách Siêu Tăng Trưởng của Gino Wickman để biết cách xây dựng Tầm nhìn và Rocks
Liên hệ BSS Việt Nam để được tư vấn triển khai vận hành theo Mô hình EOS Worldwide, Hoa Kỳ